Ngày 16, tháng 6 năm 2013
Người làm "sống" lại nghề dệt truyền thống

Chúng tôi tìm đến nhà chị Rơ Lan Pel ở thôn Phung 1, xã Biển Hồ (TP.Pleiku - Gia Lai) vào một ngày đầu tháng Chín. Ngôi nhà nhỏ ngổn ngang khung cửi, chỉ màu cùng nhiều sản phẩm thổ cẩm rất tinh xảo… Tiếp chuyện chúng tôi nhưng tay chị vẫn thoăn thoắt dệt cửi, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng khi ai đó chạy lại hỏi vài chi tiết khó.

Chị chia sẻ: "Cũng như những người con gái Gia Rai khác, lên 10 tuổi tôi đã được bà, mẹ truyền cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ban đầu, tôi chỉ dệt khăn, váy, dây cột đầu, túi xách cho mình hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân rồi không biết từ lúc nào nghề dệt ăn sâu vào máu thịt và trở thành niềm đam mê".

Những năm gần đây, đồng bào ở các buôn, làng dần thay sản phẩm thổ cẩm bằng những chiếc quần tây, áo sơ mi..., khiến nghề này đứng trước nguy cơ mai một. Nhìn những khung cửi vứt chỏng chơ, Rơ Lan Pel rất buồn. Chị lo đến một ngày nào đó, phụ nữ Gia Rai không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống sẽ bị lãng quên. Quyết không để nghề dệt bị mai một, chị đến từng nhà động viên phụ nữ trong làng, xã trở lại với khung cửi, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Tuy nhiên, sau nhiều ngày kiên trì vận động, thuyết phục, một vài chị đồng ý quay lại với nghề.

Từ đó, chiều chiều, các chị tập trung tại nhà Rơ Lan Pel để cùng nhau dệt vải và học hỏi kinh nghiệm. Tiếng cười nói, tiếng lách cách của khung cửi lại rộn vang cả một góc thôn. Sau niềm vui vận động được chị em phụ nữ quay lại với nghề, Rơ Lan Pel lại đau đáu tìm cách cải tiến mẫu mã và đầu ra cho sản phẩm. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm Biển Hồ do chị làm chủ nhiệm ra đời. Lúc đầu chỉ có 20 chị em nhưng nay thu hút hơn 100 người tham gia. Không những vậy, chị còn mở các lớp dạy dệt thổ cẩm. "Phụ nữ Gia Rai chủ yếu sống bằng nghề nông, do vậy, mình mạnh dạn thành lập CLB dệt thổ cẩm Biển Hồ để vận động chị em phát huy, giữ nghề và có thêm thu nhập", chị Rơ Lan Pel nói.

Để có những sản phẩm phù hợp với thị trường, Rơ Lan Pel đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, sau đó hướng dẫn chị em làm ra những sản phẩm mới như túi xách, túi đeo, ví nam, nữ, gối..., được thị trường ưa chuộng. Tại Festival cồng chiêng quốc tế 2009 tổ chức tại Gia Lai, gian hàng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của CLB được nhiều người quan tâm, đặt hàng. Nghề dệt thổ cẩm phục hồi, phát triển, cuộc sống của nhiều gia đình ở Biển Hồ cũng dần được cải thiện. Chị Dúi, người thôn Phung 1 (xã Biển Hồ), một trong những người đầu tiên hưởng ứng sự vận động phát triển nghề dệt chia sẻ: "Gia đình sống bằng nghề làm ruộng, suốt ngày trên nương, rẫy nhưng vẫn không đủ ăn. Nay có thêm thu nhập gần 1 triệu đồng/tháng từ nghề dệt thổ cẩm, cuộc sống của gia đình ổn định hơn, 2 đứa con đều được đến trường".

Năm 2002, chị Rơ Lan Pel được công nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống. Chị cho biết: "Mình rất vui khi nghề dệt thổ cẩm đã sống lại và nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Hy vọng trong tương lai, nghề dệt thổ cẩm Tây Nguyên nói chung và thổ cẩm của người Gia Rai nói riêng ngày càng phát triển, sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường để chị em phụ nữ cải thiện cuộc sống".
Theo KTNT

1095 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481