Ngày 28, tháng 6 năm 2013
Bất cập trong dạy nghề cho người làm chè: Chưa gắn đào tạo với tư vấn, giám sát và tìm đầu ra

Thái Nguyên có hơn 50 cơ sở dạy nghề công lập và tư thục. Gần đây có nhiều cơ sở, đơn vị tiến hành dạy nghề sản xuất, chế biến chè, giúp nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới, nâng cao chất lượng, thương hiệu chè Thái Nguyên. Tuy nhiên, chương trình đào tạo nghề cho người làm chè vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sản xuất, chế biến chè vốn là nghề truyền thống của người dân nên không cần phải đào tạo mới mà là đào tạo bán phần, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hoặc quy trình nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm chè. Từ thực tế đó, các lớp đào tạo nghề cho nông dân chủ yếu là học nghề sản xuất, chế biến chè an toàn”.

Cũng theo bà Ngà, điều đáng nói là việc giám sát sau đào tạo của các cơ sở dạy nghề gần như bỏ ngỏ. Ngay cả Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã mở các lớp dạy nghề sản xuất và chế biến chè an toàn song cũng chưa thực hiện được yêu cầu này. Do vậy, sau khi đào tạo, đa số nông dân phải tự bươn trải với quy trình sản xuất mới cũng như sản phẩm. Không có tư vấn sau đào tạo, không có “bà đỡ” để quảng bá, khẳng định chất lượng sản phẩm nên nhiều nông hộ lại quay về với phương pháp canh tác truyền thống. Rõ ràng, hiệu quả của việc đào tạo được ghi nhận là người nông dân biết về quy trình làm chè mới chứ chưa áp dụng vào sản xuất bền vững để nâng cao thu nhập. Vậy nên, đào tạo nghề cho nông dân không phải là việc chuyển giao kiến thức đơn thuần mà phải gắn với tiêu thụ sản phẩm, “còn nếu cứ dạy nghề theo đề án, theo kế hoạch thì hiệu quả thiết thực của công tác dạy nghề sẽ rất hạn chế”, bà Ngà khẳng định.

Thực tế tại vùng chè đặc sản Trại Cài (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) thấy đa số bà con chuyên canh chè rất phấn khởi khi được tham dự lớp học nghề sản xuất và chế biến chè do Trung tâm Dạy nghề huyện Đồng Hỷ tổ chức. Song theo ông Phạm Văn Ánh, một trong những người đã theo học ở xóm Cà Phê 1 thì những kiến thức mà bà con nắm bắt được thật khó áp dụng vì chúng xa rời thực tế. Đơn cử như để làm chè an toàn thì phải có vốn đầu tư không nhỏ thực hiện cải tạo giống, thiết kế nương chè, mua sắm trang thiết bị chế biến bảo quản hiện đại như: lò sao sấy, máy hút chân không, máy đóng gói…

Để làm được điều này không phải hộ nào cũng có khả năng đầu tư. Mặt khác, nhiều hộ vẫn “lăn tăn” vì mặc dù sản phẩm chè an toàn làm đúng quy trình nhưng vẫn chưa có đầu mối bao tiêu sản phẩm cho bà con. Do vậy, một số hộ cho rằng, kiến thức học được và áp dụng vào sản xuất hiện nay là tính thời gian thu hoạch để hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Rõ ràng so với mục tiêu ban đầu, hiệu quả của chương trình đào tạo đã giảm đi nhiều. Thực tế này đòi hỏi chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh Thái Nguyên cần thay đổi phương thức đào tạo nghề chế biến, sản xuất chè theo định hướng, không đào tạo tràn lan; đồng thời phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân sau đào tạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hình thành các mô hình hợp tác trong sản xuất, chế biến chè đặc sản.

Thái Nguyên hiện có trên 18.000ha chè, sản lượng trên 180.000 tấn búp tươi/năm. Ước tính, toàn tỉnh có khoảng 66.000 hộ trồng chè, trong đó có 54.000 hộ gắn sản xuất với chế biến chè... Tại các vùng chè đặc sản như: Tân Cương, Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Minh Lập, Đồng Hỷ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương)..., cây chè đem lại giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

1151 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481