Ngày 1, tháng 7 năm 2013
Phát triển mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Ngày 24/6/2013, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động- TBXH) đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức hội thảo "Phát triển mô hình dạy nghề gắn với vạo việc làm cho người khuyết tật".

 Ngày 24/6/2013, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động- TBXH) đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức hội thảo "Phát triển mô hình dạy nghề gắn với vạo việc làm cho người khuyết tật". Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1019/QĐ- TTg ngày 5/8/2012. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, trong những năm qua, để trợ giúp người khuyết tật, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan, đặc biệt là chính sách về dạy nghề và việc làm như Luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020... Nhờ đó, bình quân hàng năm đã giải quyết việc làm cho khoảng  5.000- 6.000 đối tượng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều chính sách, quy định còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực dạy nghề và tạo việc làm. Người khuyết tật (NKT) được dạy nghề và tạo việc làm chủ yếu là dựa vào sự quan tâm của các doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm việc làm.

 
Để thực hiện được  mục tiêu từ nay đến 2015, phấn đấu dạy nghề và tạo việc làm cho 250.000 NKT, giai đoạn 2016-2020 là 300.000 NKT, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành chức năng cần có chính sách tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các trường tạo điều kiện, cơ hội để NKT được học nghề hòa nhập với người bình thường, phát huy tiềm năng của các cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa ngành nghề và cách thức thực hiện, phải có cơ chế đặt hàng đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở hội của người khuyết tật và hình thành một mạng lưới có sự tham gia của các tổ chức hội. Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội của người khuyết tật và các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có những hoạt động từ thiện, nhân đạo và tổ chức được nhiều mô hình dạy nghề cho NKT.
 
Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, Hội đã tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 15.000 đối tượng khuyết tật thông qua nhiều mô hình sinh kế. Tuy nhiên, cũng theo ông Liêu, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là địa bàn dạy nghề, đặc điểm tâm sinh lý, vấn đề xã hội như nhận thức, rào càn và cơ chế chính sách. Ông đề nghị, để làm tốt công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT cần xác định rõ mô hình dạy nghề, quan tâm chuẩn bị những điều kiện cho NKT trước khi học nghề như học văn hóa, thay đổi nhận thức, phục hồi chức năng, phải đưa NKT vào đối tượng, mục tiêu trong các chương trình dạy nghề, việc làm hiện nay, đồng thời nên có chương trình dạy nghề và tạo việc làm cho NKT tại cộng đồng.
 
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được chia sẻ một số mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NKT của các tổ chức hội như: Hội chữ Thập đỏ Tây Ban Nha, Hội Vì sự phát triển của NKT tỉnh Quảng Bình, Công ty Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (Đà Nẵng), Hội Người khuyết tật huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)... Đồng thời thảo luận xung quanh các vấn đề như khả năng áp dụng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT ở địa phương, hình thức dạy nghề, những điều kiện cần thiết để việc học nghề và tạo việc làm cho NKT đạt hiệu quả...
 
 
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2009, số người khuyết tật trên phạm vi cả nước là 6,7 triệu người, chiếm khoảng 8% tổng dân số. Trong đó có khoảng 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động.
 
Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn (87,3%) với các điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn nhiều thiếu thốn, do vậy họ gặp rất nhiều trở ngạu về đi lại và giao tiếp với cộng đồng, xã hội.
 
Trình độ học vấn của người tan tật cũng rất thấp, gần 36% không biết chữ, chỉ có 20,7% có trình độ tiểu học và 24,5% người có trình độ trung học cơ sở. Khoảng 70% người khuyết tật không thể sống tự lập, phải sống dựa vào gia đình, chỉ khoảng trên 25% số người tàn tật có hoạt động tạo thu nhập. Một số người khuyết tật tuy có việc làm nhưng công việc không ổn định và thu nhập còn thấp./.
 
(Nguồn Tổng cục dạy nghề)
1162 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481