Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức được 466 lớp nghề cho 15.292 nông dân. Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 190 lớp cho 6.303 người. Trong đó, có 570 nông dân là diện hộ nghèo và gia đình chính sách, 88 nông dân là hộ gia đình bàn giao đất cho xây dựng các khu công nghiệp, bao gồm các nghề: May công nghiệp, thêu ren, móc xuất khẩu, trồng trọt, bảo vệ thực vật, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm.
Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đã góp phần xây dựng đội ngũ nông dân có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đã áp dụng thành công nghề được học vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Một số hộ sau khi học nghề đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Đội ngũ nông dân qua đào tạo nghề còn là các tuyên truyền viên tích cực giúp đỡ nhiều nông dân trong làng, xã cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo an toàn, hiệu quả, giúp nông dân nâng cao ý thức sản xuất nông sản sạch, nông sản thực phẩm an toàn, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGap.
Các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như (may công nghiệp, thêu ren), Trung tâm kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tại địa phương tạo điều kiện hỗ trợ nguyên liệu vật tư thực hành và tiếp nhận nông dân sau khi học nghề vào làm việc, do vậy gần 100% học viên sau học nghề đều có việc làm, có thu nhập ổn định.
Cùng với dạy nghề, hoạt động hỗ trợ việc làm cho nông dân cũng được Hội Nông dân tích cực chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, đã phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Trung tâm đã liên hệ, giới thiệu người lao động đến làm việc tại các công ty, doanh nghiệp có uy tín, đảm bảo các điều kiện về việc làm, thu nhập, đáp ứng được yêu cầu của người lao động. 5 năm qua, các cấp Hội đã tư vấn, giới thiệu cho 12.950 người vào làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ động tìm hiểu thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín tư vấn, giới thiệu cho lao động nông thôn đi lao động tại nước ngoài; hướng dẫn, giúp đỡ người lao động về các thủ tục pháp lý, dạy ngoại ngữ, đào tạo định hướng, hỗ trợ vay vốn… Đã tư vấn cho gần 2.000 lao động, trong đó 468 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Malaysia, Trung Đông…
Các hoạt động hỗ trợ việc làm cho nông dân còn được thực hiện thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn vay đối với nông dân sau học nghề. Ngoài nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội, hầu hết nông dân sau học nghề đều được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 32 tỷ đồng thông qua các tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết, các nhóm hộ để thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề. Đã có nhiều mô hình được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao thông qua quy trình khép kín: dạy nghề, hướng dẫn xây dựng mô hình, cho vay vốn, phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như: Mô hình ổi trắng không hạt, nếp cái hoa vàng, tổ hợp tác chăn nuôi "Con heo vàng", tổ hợp nghề mộc, thêu ren xuất khẩu…
Hoạt động dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng cường niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội; nông dân phấn khởi tham gia các phong trào thi đua ở cơ sở, tích cực xây dựng Hội vững mạnh.
(Theo website Hội nông dân)