Ngày 28, tháng 6 năm 2013
Giúp nông dân có nghề

Với vai trò và trách nhiệm của mình, các cấp hội nông dân trong tỉnh Yên Bái đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm giúp người nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề để có thể tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu ngay tại địa phương.

Chọn nghề phù hợp với nông dân

Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên có trên 800 hộ với gần 3.200 nhân khẩu, trong đó có gần 1.300 người trong độ tuổi lao động. Ngay sau khi có Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của xã đã chủ động rà soát nhu cầu lao động, các ngành, nghề cần đào tạo để xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý, sát với tình hình thực tế tại địa phương.

Trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân, xã Việt Thành đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện, Trung tâm Dạy nghề Phú Hưng mở 5 lớp đào tạo nghề, thu hút gần 200 lao động tham gia.

Các lớp học nghề được mở ngay tại các thôn bản, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người nông dân. Sau học nghề, người nông dân đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhiều hộ đã xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang lại thu nhập cao, như mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đinh Văn Thức ở thôn 11, gia đình chị Nguyễn Thị Hải ở thôn 7 với quy mô từ 100 con trở lên, mô hình chăn nuôi trên 1.000 con gà của gia đình ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn 11 đã mang lại cho gia đình thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Nhiều học viên tham gia học lớp cắt may đã tự may quần áo và mở cơ sở may, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã cho biết: Hội Nông dân xã đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động LĐNT tham gia học nghề. Nhiều hội viên nông dân trong xã đã đăng ký tham gia các lớp học nghề, qua đó, họ đã tiếp thu được tiếp thu các kiến thức KHKT và áp dụng ngay vào thực tế nên hiệu quả của hoạt động dạy nghề mang lại rất cao.

Trong chăn nuôi, người nông dân đã nắm được quy trình chăm sóc, phòng trừ các loại dịch bệnh thường xảy ra trên đàn gia súc của mình. Trong trồng trọt, đã biết lựa chọn các giống cây tốt, chất lượng cao, nắm vững quy trình chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng. Mục tiêu của xã đến năm 2020, trên 80% LĐNT được tham gia học nghề, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 60% - bà Lụa bổ sung thêm.

Xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp bị thu hồi dành cho cho các dự án phát triển kinh tế tương đối lớn. Nhiều nông dân thiếu đất hoặc không còn đất sản xuất nên nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm của người dân cao.

Giải quyết việc làm cho các hộ nông dân bị thu hồi đất đã được Đảng bộ, chính quyền xã làm từ nhiều năm trước. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động sử dụng nguồn tiền đền bù để tái đầu tư vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Ông Phùng Thế Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Đối với nghề chăn nuôi - thú y và trồng trọt, người dân đã biết cách áp dụng nghề được học vào đời sống, nâng cao hiệu quả kinh tế. Với nghề xây dựng, nghề điện dân dụng, rất thiết thực với những người đã làm nghề khi trình độ tay nghề của họ cũng ngày một nâng cao. Như vậy, việc mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là rất cần thiết”.

Nâng cao vai trò của các cấp hội nông dân

Yên Bái là một tỉnh miền núi với trên 80% lao động của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn, ở khu vực này chiếm tới 83,26% lực lượng lao động đang tham gia vào các hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực. Điều này đòi hỏi tỉnh cần tập trung mạnh vào đào tạo nghề cho LĐNT nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nền kinh tế theo hướng CNH - HĐH.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm giúp nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề.

Sau hai năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đã có 25.000 lượt hội viên nông dân các cấp được tư vấn, giới thiệu học nghề thông qua các buổi giao ban, sinh hoạt Hội; phối hợp với các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong tỉnh mở 60 lớp dạy nghề, thu hút gần 2.000 lượt hội viên tham gia, phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật các địa phương mở trên 100 lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ chuyển giao KHKT cho trên 5.000 hội viên. Ngoài ra, đã phối hợp mở 37 lớp dạy nghề cho trên 1.100 hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chế biến lâm sản, may mặc,…

Thông qua Đề án, LĐNT, nhất là nông dân đã tự nhìn nhận và đánh giá đúng bản thân mình trong quá trình tạo ra hiệu quả lao động cho gia đình mình và cho xã hội. Từ đó xác định và lựa chọn ngành nghề cần học để có việc làm phù hợp. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, số nông dân và con em nông dân trong độ tuổi lao động chưa qua học nghề có nhu cầu chuyển đổi hiện tại còn rất lớn, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đất sản xuất bị thu hồi.

Hầu hết nông dân bị hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp; các hoạt động lao động sản xuất vẫn thông qua kinh nghiệm là chính, kỹ năng canh tác còn chậm đổi mới nên năng suất lao động trên một đơn vị diện tích chưa cao; giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hoá chưa tương xứng với thời gian và chi phí lao động bỏ ra. Đời sống của đa số nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bà Vương Thị Thoan - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề nông thôn phải xác định ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cụ thể, các hoạt động dạy nghề cho nông dân cần tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để nông dân thích nghi và hoà nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động và tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề cần có kế hoạch khảo sát thị trường lao động, nắm bắt kịp thời thông tin lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động xác định chọn đúng nghề để học hoặc tự tạo được việc làm ổn định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động sau khi kết thúc khóa học không tìm được việc làm hoặc không tự tạo được việc làm phù hợp, gây lãng phí thời gian công sức và tiền bạc của Nhà nước.


(Theo M.C- YBĐT)

1069 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481