Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong 11 năm (2010-2020) với mục tiêu: Dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,5 triệu người theo chính sách của Đề án, đào tạo bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo TW về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho biết: 3 năm qua, Ban Chỉ đạo TW đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn được 11 tỉnh, 12 huyện và 4 nhóm mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp cũng như dạy nghề cho ngư dân đi tàu đánh bắt cá xa bờ. Đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án (đạt 77,74% kế hoạch và bằng 16,64% kế hoạch 11 năm thực hiện Đề án; Đào tạo, bồi dưỡng 203.593 lượt cán bộ, công chức xã (đạt 67,86% kế hoạch); Tổng số kinh phí đã sử dụng 4.778 tỷ (bằng 18,4% tổng kinh phí thực hiện Đề án trong 11 năm). Trong đó, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề được giải ngân nhiều nhất: 2.930 tỷ đồng.
Bộ LĐTBXH thí điểm xây dựng 55 chương trình dạy nghề và 39 danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và lựa chọn, phê duyệt danh mục hơn 3.080 lượt nghề đào tạo. Cùng với 783 cơ sở dạy nghề, các địa phương đã huy động hơn 200 doanh nghiệp và trên 400 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề. Trên 2 vạn giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và hơn 1,1 vạn các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, nhà khoa học, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi trong cả nước tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn…
Sau 3 năm triển khai, đến nay 822.460/1.042.059 người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn; 55.288 người thuộc hộ nghèo, sau học nghề có việc làm, thu nhập thoát nghèo; 88.222 người học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của các hộ dân trong vùng.
Đặc biệt, còn 687 xã trên cả nước chưa có ban chỉ đạo thực hiện Đề án, 281 huyện chưa có cán bộ làm công tác này, cơ sở đào tạo còn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai cần khắc phục những khó khăn hiện nay trong đào tạo nghề, tập trung bám sát mục tiêu đào tạo nghề theo yêu cầu xã hội…
Hội nghị cũng đã nhận được 17 tham luận đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị từ đại diện các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó đáng chú ý là kiến nghị xem xét bổ sung kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo; điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề cho những đối tượng này, đặc biệt là có chính sách ưu tiên hơn đối với người khuyết tật; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; gắn việc thực hiện Đề án với chủ trương xây dựng nông thôn mới…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Dạy nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn. Trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế 6 yếu tố đầu vào như: cơ sở trường lớp, đội ngũ giáo viên, cán bộ chuyên trách…không được để trống yếu tố đầu vào cấp huyện. Bộ LĐ-TB&XH sớm điều chỉnh, ban hành chính sách mới trong thời gian sớm nhất. Triển khai quyết liệt công tác đào tạo gắn với sản xuất, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã; đẩy mạnh công tác truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
(Theo TƯ Hội nông dân Việt nam)