Chương trình đào tạo nghề cho LĐNT bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực. 78,9 % LĐNT học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn; 4,1% LĐNT thuộc hộ nghèo, sau học nghề có việc làm, thu nhập thoát nghèo. Đào tạo nghề cho LĐNT là chương trình có tác động mạnh đến phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.
Một số địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm …
Đề án Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một trong những đề án quan trọng về phát triển tam nông đã xác định: “Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp hóa vào nông thôn, giải quyết việc làm và dịch chuyển nhanh cơ cấu lao động nông thôn” (Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020).
Đây là chủ trương đúng, đáp ứng nguyện vọng của nông dân nhưng vấn đề là đào tạo nghề phải có hiệu quả. Qua học nghề người lao động phải có kiến thức, kỹ năng nghề, biết vận dụng vào công việc một cách có kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của công việc, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, đào tạo dồn dập, cấp tốc để đạt chỉ tiêu dẫn đến chất lượng không bảo đảm; hoặc mở lớp dạy nghề nhưng không tính đến đầu ra nên LĐNT học xong thì không có việc làm; mức hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách còn hạn chế; tỷ lệ giữa LĐNT được học nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp vẫn chưa được cân đối … Do đó, sức thu hút đối với LĐNT tham gia học nghề chưa cao.
Dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương, trong chỉ đạo chưa thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về phát triển tam nông. Chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu đề ra.
Sự phối hợp giữa các Sở, ngành (Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ…) chưa sâu sát, thiếu cụ thể. Ở nhiều địa phương, một số ngành chưa thực sự vào cuộc, trong khi năng lực một số cơ sở dạy nghề còn hạn chế.
Việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn gắn kết với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, cầu thị trường lao động; dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động vẫn còn bất cập.
Với mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn đảm bảo nâng cao kỹ năng nghề để người nông dân sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, có cơ hội tìm được việc làm ổn định từ 70% - 80%; từng bước tổ chức lại sản xuất tiến tới sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển tam nông phải xác định quyết tâm cao cùng với thái độ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
(Theo website Hội nông dân Việt nam)