Ngày 27, tháng 9 năm 2013
Sửa đổi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020: Yêu cầu cấp thiết

Ngày 26/9/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến lần cuối về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Công Thương, Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng đại diện các đơn vị liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi phát biểu chỉ đạo hội nghị

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đã huy động được đông đảo các lực lượng tham gia đào tạo; số lượng người lao động nông thôn được tham gia đào tạo nghề ngày một tăng, chất lượng dạy nghề được nâng cao; người lao động nông thôn sau học nghề đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng nghề đã học vào quá trình sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập;…

 

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện một số quy định trong Đề án không còn phù hợp, một số nội dung chưa quy định cụ thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, như: Chưa quy định cụ thể như thế nào là có việc làm và tỷ lệ có việc làm sau học nghề; chưa quy định rõ lao động làm nghề nông nghiệp tại các phường, thị trấn là đối tượng của Đề án; mức hỗ trợ tiền ăn đối với lao động nông thôn là người thuộc hộ gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp quá thấp; mức hỗ trợ tiền đi lại còn thấp, điều kiện được hỗ trợ đi lại không phù hợp với vùng núi, vùng có điều kiện đi lại khó khăn; hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn nhưng chưa có chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại khi tham gia học nghề; trách nhiệm của một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quy định cụ thể; chưa có sự gắn kết giữa việc thực hiện Đề án với các chính sách, chương trình, dự án, đề án khác có dạy nghề cho lao động nông thôn ở địa phương dẫn đến chồng chéo trong thực hiện, không quản lý, theo dõi, thống kê được số lao động nông thôn được học nghề từ các chính sách, chương trình, dự án, đề án khác được thực hiện trên cùng địa bàn;…

Trước những bất cập của Đề án 1956, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Điều chỉnh này nhằm hướng đến nội dung của Đề án sát hơn với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả và mục tiêu đề ra. 

Cụ thể, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đối tượng, mục tiêu, mức kinh phí hỗ trợ của Đề án. Mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách đào tạo nghề ngắn hạn với lao động cao tuổi theo quy định của Luật Lao động đang trực tiếp làm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nâng mức hỗ trợ tối đa cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách, lao động nghèo… tham gia học nghề lên mức 3 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày. Lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề mức tối đa là 2,5 triệu đồng/người/khóa. Với những lao động khuyết tật, nâng mức hỗ trợ lên tối đa 6 triệu đồng/người/khóa, mức hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày.

 

Lao động khuyết tật được đề nghị mức hỗ trợ dạy nghề tối đa 6 triệu đồng/người/khóa

Dự thảo cũng đã quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở quy mô lao động nông thôn, nhu cầu học nghề… ưu tiên cho các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các địa phương có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số;…

Tại hội nghị các đại biểu đều thống nhất với Dự thảo đề ra, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng cần đào tạo nghề cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, để tránh lãng phí và cải thiện tình trạng lao động nông thôn di cư ra thành phố; phải có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, để người nông dân sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh tình trạng thực phẩm kém chất lượng như hiện nay;….

 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở những ý kiến của các Bộ, ban, ngành, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Quan điểm, mục tiêu phải gắn với nhu cầu thực tế của người lao động vùng nông nghiệp, nông thôn, như vậy Đề án mới phát huy được hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ, cải thiện điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế cho người dân vùng nông nghiệp, nông thôn.

 

(Nguồn LĐXH)

1513 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481