Ngày 19, tháng 11 năm 2013
Niềm vui của người nông dân được học nghề

Bất chấp tuổi tác, trình độ, những người nông dân say mê với sản phẩm của mình, vui vẻ chia sẻ với nhau những điều mới được học. Vẻ mặt ấy, nụ cười ấy toát lên niềm hy vọng về một cuộc sống đỡ vất vả hơn, tốt đẹp hơn... Không khí và những hình ảnh đó đang diễn ra tại các lớp đào tạo nghề tại xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).

Vốn là một xã thuần nông, người dân xã Phú Nam An quanh năm vất vả với hai vụ lúa mà cuộc sống vẫn chật vật. Thực hiện chủ trương nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân của thành phố, UBND xã Phú Nam An đã tổ chức các lớp dạy nghề mây tre đan, may công nghiệp cho bà con trong xã.
Điều ngạc nhiên tại lớp học nghề mây tre đan của Phú Nam An là những “học viên nông dân” tham dự khá đông và thuộc đủ mọi lứa tuổi. Từ những ông, bà đã hết tuổi lao động cho đến những em nhỏ 15,16 tuổi, ai cũng say sưa với những sản phẩm của mình. Chị Nguyễn Thị Xứng, thôn Tây Bắc, xã Phú Nam An vừa mới hoàn thành sản phẩm đầu tiên sau một tuần học nghề phấn khởi: “Vì mới học nên sau 3 ngày tôi mới đan xong một sản phẩm, nhưng với giá bán 90.000 đồng/sản phẩm, vừa học tôi cũng có thể kiếm thêm 30.000 đồng/ngày”.
Tương tự, với lớp nghề may gia công, xã cũng phối hợp với cơ sở may của chị Trần Hải Lam, thôn Phú Khang để mở lớp dạy nghề cho 40 lao động trong xã, hầu hết là chị em phụ nữ. Theo chị Lam, nghề may cho thu nhập khá, với những người mới học có thể có thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, lao động lành nghề có thể kiếm được 3-4 triệu đồng/người/tháng thời gian lại không gò ép, có thể mang về nhà làm thêm. Hiện nay cơ sở may của chị Lam đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động trong xã.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nam An, toàn xã có 5 thôn với gần 5.000 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nghề phụ chưa phát triển. Do vậy, bình quân thu nhập đầu người của xã vẫn còn ở mức thấp, khoảng 7 triệu đồng/người/năm. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, thanh niên của xã chủ yếu phải “ly hương” đi làm xa nhưng công việc không ổn định. Nếu muốn đi làm khu công nghiệp phải lên tận Chúc Sơn, Ba La cách xã hơn 20km.
Để giúp người nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập và thoát khỏi cảnh ly hương tìm việc nơi xa, UBND xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ triển khai các lớp dạy nghề, trước hết cho các chị em phụ nữ có nhiều thời gian nông nhàn. Chỉ từ giữa năm 2012 trở lại đây, Phú Nam An đã mở 5 lớp dạy nghề mây tre đan và may công nghiệp cho 230 lao động trong xã.

Bà Huệ cũng chia sẻ, Phú Nam An là xã thuần nông, nhu cầu học nghề của bà con còn rất lớn, đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con trong xã được tiếp tục được học nghề. Hơn nữa, trong xã hiện đã hình thành được một số cơ sở sản xuất tập trung như hộ gia đình chị Trần Hải Lam, tuy nhiên do hạn chế về vốn nên việc mở rộng quy mô sản xuất, bao tiêu đầu ra cho bà con trong xã gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ về vốn, thiết bị công nghệ giúp cho các cơ sở phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người lao động trong xã.

Báo Kinh tế Việt nam
2672 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481