Dạy nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng) là một trong những cách làm phù hợp thực tiễn để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động. Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, làm tốt công tác dạy nghề ngắn hạn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nhất là giúp lao động trẻ tự tạo việc làm, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ðể mở một lớp dạy nghề, đầu tiên phải khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp đó là khảo sát thực trạng, nhu cầu học nghề, lập nghiệp của thanh niên để tư vấn, định hướng giúp họ trong việc lựa chọn học nghề phù hợp. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, chế độ, chính sách ưu đãi đối với lao động tham gia học nghề vẫn được quan tâm đầy đủ, đã tạo sự hấp dẫn, thu hút thanh niên học nghề. Theo đó, mỗi học viên được hỗ trợ 15 nghìn đồng/buổi học, một số học viên nhà xa, mỗi tháng được hỗ trợ 200 nghìn đồngtiền đi lại, đồng thời miễn toàn bộ học phí, các khoản đóng góp và trang, thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và thực hành...".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay ở nhiều nơi còn nặng tính hình thức. Việc đào tạo nghề chỉ làm theo chỉ tiêu cấp trên giao mà thiếu tính định hướng, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản suất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Công tác điều tra, khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề có nơi còn chưa sát thực tế, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển.
Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch dạy nghề, nhưng không chủ động khảo sát để dự báo thông tin thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn; chưa có sự phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT để chủ động tiếp cận tư vấn định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, đối với đào tạo trình độ sơ cấp nghề (hầu hết là các nghề phổ thông), yêu cầu kỹ thuật đơn giản và tỷ lệ có việc làm của lao động khá cao, song thường thiếu tính ổn định, ít bền vững theo thời gian.
Ðể khắc phục tình trạng nói trên, nhiều tỉnh, thành phố thường xuyên khảo sát thị trường lao động để có sự luân chuyển giữa các ngành nghề. Ðồng thời, giúp người học phát huy kiến thức đã được đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
(Nguồn Hội Nông dân Việt nam)