Ngày 25, tháng 1 năm 2014
Trường Trung cấp Nghề nỗ lực đưa nghề đến cho lao động nông thôn

Năm 2010 Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam được thành lập trên cơ sở sát nhập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Việc làm Nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ sở dạy nghề khu vực thuộc Hội trên cả nước. Mới thành lập, khó khăn, thiếu thốn cả về nhân sự và cơ sở vật chất nhưng dưới sự chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thường trực Đảng ủy cơ quan; được sự phối hợp, tạo điều kiện của các ban, các đơn vị thuộc Trung ương Hội, Trường đã nhanh chóng ổn định về mặt tổ chức và từng bước hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Cán bộ giảng viên Trường Trung cấp Nghề Hội Nông dân Việt Nam

Năm 2010 Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam được thành lập trên cơ sở sát nhập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Việc làm Nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ sở dạy nghề khu vực thuộc Hội trên cả nước. Mới thành lập, khó khăn, thiếu thốn cả về nhân sự và cơ sở vật chất nhưng dưới sự chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thường trực Đảng ủy cơ quan; được sự phối hợp, tạo điều kiện của các ban, các đơn vị thuộc Trung ương Hội, Trường đã nhanh chóng ổn định về mặt tổ chức và từng bước hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Với phương châm: đoàn kết, đổi mới, quyết tâm đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo tập thể  cán bộ, giáo viên thuộc các phòng, khoa và các cơ sở dạy nghề khu vực xây dựng kế hoạch công tác hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và triển khai các hoạt động tuyển sinh, khai giảng, giảng dạy các lớp đào tạo ngắn hạn, các lớp trung cấp nghề, sơ cấp nghề nhằm tập trung toàn lực thực hiện tốt nhiệm vụ đưa nghề đến cho lao động nông thôn.

 
Với chức năng của mình, Trường đã làm tốt công tác tham mưu về vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn, cụ thể là tham mưu giúp Thường trực tham gia: sửa đổi Luật dạy nghề; bổ sung, sửa đổi Quyết định 1956 ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; xây dựng Luật Việc làm… Trường đã phối hợp với Ban Hợp tác Quốc tế tham mưu giúp Thường trực tổ chức cho 2 đoàn cán bộ quản lý, giáo viên đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Liên bang Đức. Chuyến đi đã giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Hội Nông dân Việt Nam hiểu sâu hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như cách thức tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân Cộng hòa Liên bang Đức; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo, các trang trại của Cộng hoà liên bang Đức về tổ chức dạy nghề song hành cho nông dân. Trường cũng đã tham gia tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ và đưa 7 cán bộ, nông dân đi thực tập sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đến nay các thực tập viên đã hoàn thành nhiệm vụ và về nước đầy đủ 100%. Sau khóa học này, khi về nước, các thực tập viên ngoài việc tiếp tục áp dụng những kiến thức đã học vào công tác chuyên môn nghiệp vụ và phát triển các trang trại sẽ tham gia dạy nghề  và truyền đạt lại kinh nghiệm cho lao động nông thôn, nhất là những kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý, điều hành các trang trại, kỹ thuật sử dụng các loại máy, thiết bị công nghệ hiện đại.
 
Xuất phát từ nhu cầu thực tế về nghề của lao động nông thôn hiện nay, Trường đã xây dựng  danh mục các nghề đào tạo trình độ sơ cấp cần thiết, phù hợp và đã hoàn tất các thủ tục để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp nghề và các cơ sở dạy nghề khu vực thuộc trường. Trường đã làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội để cấp giấy phép, bổ sung giấy phép dạy nghề trình độ trung cấp cho 6 nghề: Trồng cây lương thực, thực phẩm; Chăn nuôi; Thú y; Sửa chữa máy nông nghiệp; Công tác xã hội; Công nghệ ô tô. Từ kết quả các lớp đã mở và khảo sát nhu cầu của các học viên, Trường  đã tập trung đào tạo các nghề như Thú y; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật chọn và nhân giống cây ăn quả; Trồng rau an toàn... bởi đây là những nghề mà nông dân sau khi học xong sẽ có cơ hội việc làm khoảng 75%. Hiện còn một số nghề như nghề trồng nấm, nhiều nông dân đăng ký học nhưng Trường chưa tổ chức đào tạo được do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị… Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ mà Trường cần phải nghiên cứu giải quyết trong thời gian tới.
 
Trong năm qua, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội cho các lớp theo chỉ tiêu giao, Trường đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, các cơ sở Hội để có kinh phí hỗ trợ mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho nông dân. Trong năm 2013, Trường và các cơ sở dạy nghề của trường đã tuyển sinh, khai giảng, dạy nghề được 04 lớp trình độ trung cấp nghề Thú y tại tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh; tuyển sinh dạy nghề trình độ sơ cấp được 139 lớp, với 4.587 học viên, trong đó kinh phí của T.Ư Hội giao là 27 lớp với 891 học viên, số còn lại nhà trường và các cơ sở dạy nghề khu vực đi khai thác các nguồn kinh phí của địa phương được 112 lớp với 3.696 học viên.
 
Trong công tác đào tạo nghề, Trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên bằng việc tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề,  tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường và các cơ sở dạy nghề khu vực. Ban Giám hiệu thường xuyên chỉ đạo, trao đổi, cùng phối hợp, chia sẻ kỹ năng giảng dạy với các giảng viên; đảm bảo giảng viên chuẩn bị tốt giáo án, giáo trình, các giáo cụ trực quan phục vụ các tiết giảng hấp dẫn, dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Tổ chức in ấn và phát hành các bộ chương trình, giáo trình. Tiếp tục tổ chức biên soạn giáo trình trình độ sơ cấp cho các nghề: Kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao; Chăn nuôi gia súc, gia cầm; Thú y; Kỹ thuật máy nông nghiệp.
 
Cùng với đó là thực hiện đầy đủ số giờ học, các nội dung về lý thuyết, thực hành theo đúng chương trình; công tác coi thi, chấm thi nghiêm túc đảm bảo chất lượng theo đúng quy định về chuẩn của trình độ. Đến nay, có thể nói 100% học viên sau tốt nghiệp các khóa dạy nghề của trường đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi hay tổ chức nghề cho cá nhân và gia đình mình. 
 
Ngoài ra,Trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác dạy nghề và các hồ sơ thanh quyết toán các lớp dạy nghề trình độ sơ cấp thuộc dự án dạy nghề gắn với các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho đội ngũ lãnh đạo và kế toán của các cơ sở dạy nghề khu vực và của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố. Qua khóa học này, cán bộ, giáo viên nắm được mục tiêu, cách thức xây dựng các mô hình phù hợp với thực tế của từng địa bàn cơ sở để nhân ra diện rộng. 
 
Có thể nói, năm 2013 là năm bản lề của Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất và kiện toàn bộ máy tổ chức.
 
Sang năm 2014, vẫn còn đó những khó khăn như: Trụ sở chính của Trường và cơ sở dạy nghề khu vực Đông Nam bộ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chưa xây xong;  Quy chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề khu vực và các đơn vị thuộc trường chưa được hoàn thiện; Đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng và không đồng bộ về cơ cấu... Tuy vậy, trong năm 2014, các mục tiêu của Trường đề ra về công tác dạy nghề là: mở 150 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp cho khoảng 5.200 nông dân về các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp;  mở thêm 06 lớp trung cấp nghề cho khoảng 260 học viên về những ngành nghề:  thú y, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực thực phẩm, công tác xã hội.
 
Với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vượt khó của Ban Giám hiệu cùng toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên nhà trường và sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội, sự phối hợp của các ban, đơn vị, các ban ngành có liên quan, các cơ sở Hội, hy vọng một năm mới, năm 2014, Nhà trường sẽ gặt hái được nhiều thành công mới; mang được nhiều nghề đến với nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giầu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
TS. Nguyễn Văn Đại
Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam
1914 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481