Ngày 3, tháng 1 năm 2015
Dạy nghề cho lao động nông thôn: Gắn việc dạy nghề với hỗ trợ nông dân phát triển nghề

Trao đổi với NTNN xung quanh những vấn đề dạy nghề cho lao động nông thôn, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đại-Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề T.Ư Hội NDVN cho rằng, cần đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, tăng cường các họat động hỗ trợ khác để nông dân phát triển và sống được bằng nghề mà họ đã được học…

 Tiễn sỹ Nguyễn Văn Đại cho biết, năm 2014, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội NDVN, sự phối hợp của các ban, đơn vị, các địa phương, Trường trung cấp nghề Hội NDVN đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhà trường đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có tuyển sinh và đào tạo trung cấp nghề.

- Ông có thể chia sẻ thêm về kết quả công tác dạy nghề của nhà trường trong năm 2014?

Trường đã triển khai tuyển sinh trình độ trung cấp nghề tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị…Kết quả đã tuyển được 9 lớp trung cấp nghề thú y với 360 học viên, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch 2 lớp với 80 học viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tuyển sinh và khai giảng được 77 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên tại các huyện ngoại thành Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ sở dạy nghề khu vực với tổng số 2.695 học viên.

 

Giáo viên Trường Trung cấp nghề Hội NDVN đang hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng dịch trên gia cầm cho học viên lớp chăn nuôi thú y xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

 

Trong năm 2014, nhà trường đã xây dựng, tổng hợp các dự toán kinh phí cho các lớp sơ cấp nghề thuộc “Dự án dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi” thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề” trình Thường trực T.Ư Hội NDVN phê duyệt…Cùng với Trường trung cấp nghề và các cơ sở đào tạo nghề của T.Ư Hội NDVN, trong năm 2014, Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Điển hình như các tỉnh Hải Dương, Lai Châu, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Long An, Tiền Giang, An Giang…

- Qua 5 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, ông có đánh giá như thế nào về kết quả công tác dạy nghề cho ND của Hội NDVN?

Theo tôi, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của Hội NDVN trong những năm qua đã đi đúng hướng, đúng đối tượng và có hình thức phù hợp. Trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội NDVN tập trung vào dạy những nghề nông nghiệp như trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, nấm ăn, nấm dược liệu, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, các nghề tiểu thủ công nghiệp…Đây là những nhóm nghề thu hút nhiều lao động trong đó có nhóm ND lớn tuổi, người không có khả năng đi làm xa. Bên cạnh các nghề nông nghiệp, các cơ sở dạy nghề thuộc Hội NDVN còn dạy một số nghề phi nông nghiệp cho đối tượng ND trẻ như nghề may, cơ khí, gò hàn, điện dân dụng…Các nghề đào tạo đang từng bước điều chỉnh cho phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng gắn với việc làm tại chổ hoặc nhu cầu sử dụng lao động. Các hình thức dạy nghề của các cơ sở dạy nghề của Hội NDVN rất đa dạng như dạy nghề ngắn hạn, lấy ND sản xuất, kinh doanh giỏi dạy ND, truyền nghề theo cách cầm tay chỉ việc. Địa điểm dạy nghề được tổ chức linh họat, có lớp tổ chức ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND, có lớp tổ chức tại cơ sở thôn, xóm, kết hợp học lý thuyết trên lớp và thực hành tại các cơ sở sản xuất, trang trại, gia trại, đồng ruộng…

- Theo báo cáo thì tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định với mức thu nhập cao hơn sau khi học nghề ở các cơ sở dạy nghề của Hội NDVN là rất cao, đạt từ 80-95% tùy từng ngành, nghề. Hội NDVN đã có giải pháp nào để có được tỷ lệ này?

Có 2 giải pháp trọng yếu được Hội NDVN thực hiện gắn liền với công tác dạy nghề cho ND. Đó là sau khi tổ chức dạy nghề, các cấp Hội tích cực tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho ND tại chổ, hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Hội rất chú trọng đến việc tổ chức các họat động hỗ trợ ND sau học nghề như cho vay vốn Quỹ HTND với trên 1.600 tỷ đồng; tín chấp, ủy thác giúp ND vay vốn ngân hàng NN PTNT, ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 60.000 tỷ đồng; cung ứng vật tư nông nghiệp chậm trả; triển khai hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp; tổ chức liên kết ND theo các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất, tiêu thụ nông sản…Tỷ lệ ND sau học nghề có việc làm mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh đối với các nghề nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản đạt gần 95%; các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ đạt trên 80%...

- Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp dạy nghề cho ND của Cộng hòa Liên bang Đức mà Hội NDVN, cụ thể Trường trung cấp nghề có thể học hỏi, áp dụng được vào công tác dạy nghề ở Việt Nam?

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện dự án hợp tác đào tạo, dạy nghề giữa Hội NDVN và Hội ND Đức đã có 6 đoàn cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề của Hội  NDVN với 55 người đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Liên bang Đức; đưa 7 giáo viên dạy nghề ở các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND một số tỉnh và ND trẻ Việt Nam sang Đức làm thực tập sinh. Sau chuyến đi, các cán bộ, giáo viên đã tiếp thu được phương pháp dạy nghề song hành cho ND, kết hợp giữa học lý thuyết 30% với thực hành ngay tại trang trại 70% thời lượng. Phương pháp dạy nghề song hành của Đức đã và sẽ được Trường trung cấp nghề và các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND của Hội NDVN áp dụng…

- Xin cảm ơn Tiến sỹ!

Phương Đông thực hiện.

Box: Từ 2009 đến nay, các cấp Hội ND trong cả nước trực tiếp  tổ chức 5.648 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho  hơn 180.700 lao động nông thôn; phối hợp tổ chức mở 27.945 lớp với hơn 894.200 người khác. Trường Trung cấp nghề Hội NDVN trực tiếp tổ chức tuyển sinh 429 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho 14.336 lao động nông thôn…

3163 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481