Tuy nhiên, thực tế cho thấy, làng tranh Đông Hồ đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong việc giữ nghề.
Một làng nghề - hai nghệ nhân
Cách TP. Hà Nội gần 40km, nằm nép mình bên bờ đê phía Nam sông Đuống hiền hoà, làng tranh Đông Hồ thuộc xã Song Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) đã trải qua bao thăng trầm để cố giữ cho “hồn dân tộc” mãi “sáng bừng trên giấy điệp”. Tuy nhiên, đến làng Đông Hồ hôm nay, người ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển hiệu: “nhận đặt xe máy”, “chuyên ôtô vàng mã”... Cả làng Đông Hồ giờ chỉ còn gia đình hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam là “sống chết” với nghề làm tranh truyền thống.
Sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống làm nghề vẽ tranh dân gian nên từ nhỏ, ông Sam đã rất yêu nghề này. Trong lúc cả làng sôi sục chuyển sang nghề làm vàng mã, ông Sam vẫn nguyện “sinh vì tranh, tử vì tranh” nhằm giữ gìn, xây dựng và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ. Ông bảo: “Cả đời tôi gắn bó với nghề và coi đó là cái nghiệp của mình. Nghề đó cũng đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình tôi. Giờ đây, tôi cố giữ nó với mong muốn góp phần giữ lại cái hồn dân tộc”.
Kề bên nhà ông Sam là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Vốn tốt nghiệp Khoa Đồ hoạ (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), ông Chế đã có thời gian làm công tác giảng dạy tại trường, sau đó làm biên tập ở Nhà Xuất bản Văn hoá - Thông tin. Những tưởng đi thoát ly, ông sẽ quên nghề làm tranh truyền thống, thế nhưng chính những ngày công tác ở nhà xuất bản, trực tiếp biên tập những tập tranh Đông Hồ, ông Chế đã có ý thức sưu tầm, bảo tồn và sáng tác tranh. Hồi đó, mỗi dịp về quê, ông lại đi tìm những bản khắc cổ. Thế nên hiện nay, ngoài bản khắc cổ gia truyền, ông còn có trong tay hàng trăm bản khắc độc đáo khác. Đây chính là gia tài khổng lồ và là cơ sở để tin rằng tranh Đông Hồ không bị thất truyền. Gia đình ông vẫn giữ các công đoạn làm tranh truyền thống.
Tính đến thời điểm này, ông Chế đang là chủ nhân của 100 bộ ván khắc có tuổi đời từ 50-100 năm. Bộ ván cổ nhất có tuổi thọ hơn 400 năm, do cụ tổ 9 đời nhà ông để lại. Những bộ ván khắc ấy được ông Chế bày trang trọng trong tủ kính, vì theo ông, giữ bản khắc chính là giữ lấy nghề. Cũng xuất phát từ những tâm huyết với nghề làm tranh dân gian, ông Chế đã nảy ra ý tưởng thành lập Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ. Tại đây, ông đang trưng bày khoảng 200 bức tranh Đông Hồ các loại và là nơi lưu giữ gần 1.000 bản khắc, khuôn tranh do ông và gia đình sưu tầm được trong hàng chục năm qua. Hiện, Trung tâm bảo tồn, chế tác của ông Chế là địa chỉ hấp dẫn du khách.
Cần “bà đỡ”
Ông Nguyễn Như Điều, Chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết: “Làng Đông Hồ bây giờ chỉ còn vài hộ làm tranh, đa số người trong làng đã chuyển sang làm hàng mã. Nguyên nhân là do người dân ngày càng quan tâm tới yếu tố tâm linh, nhu cầu dùng vàng mã tăng cao, thấy cái gì có lãi thì họ làm. Hơn nữa, sản xuất tranh dân gian bây giờ khó bán hơn xưa, người ta chỉ mua tranh vào các dịp lễ, Tết hoặc mang biếu, chứ ngày bình thường hầu như không bán được”.
Được biết, xã Song Hồ đã phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Thuận Thành và tỉnh Bắc Ninh mở các lớp dạy nghề làm tranh trên giấy dó, dạy chữ Hán nhằm lưu giữ, bảo tồn các dòng tranh dân gian nhưng vẫn rất ít người tham gia, vì họ cho rằng, đi học cũng không mang lại lợi ích gì.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, tranh Đông Hồ có đến 180 loại, đề tài khá phong phú, gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và phản ánh chân thật đời sống của người nông dân Việt Nam. Để dòng tranh này sống mãi với thời gian, ông Chế đã thành lập công ty chuyên làm tranh dân gian Đông Hồ. Nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng, ông và 10 thành viên trong gia đình đã nghĩ ra cách làm khung cho tranh, dán tranh lên mành tre, mành trúc hay làm những cuốn sổ ghi chép nhỏ bằng giấy điệp, rồi in tranh với đủ mệnh giá từ 10.000 đồng/bức đến hàng triệu đồng/bức.
Tuy tâm huyết với nghề nhưng ông Sam và ông Chế đều thừa nhận, tìm đầu ra cho dòng tranh này rất khó, du khách đến với tranh Đông Hồ vẫn thường xuyên, nhưng người mua không nhiều, thường chỉ nhộn nhịp vào dịp đầu năm hay cuối tuần. Do đó, hai ông mong làng tranh sớm có những “bà đỡ” mạnh tay hơn trong việc truyền nghề cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm…
(Theo KTNT)