Ngày 30, tháng 5 năm 2023
Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam: Cái nôi đào tạo nghề nông cho con em nông dân

(Tapchinongthonmoi.vn) Trong những năm qua, trường Trung cấp Nông dân Việt Nam (thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã đào tạo hàng chục nghìn thế hệ học viên, học sinh tốt nghiệp đạt chất lượng cao; 100% các học viên, học sinh ra trường có việc làm và trên 80% có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo.

Thực hiện sứ mệnh của một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp duy nhất của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội. Với mong muốn  đóng góp cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực là nông dân lành nghề có đủ trình độ sử dụng và làm chủ được những thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, trong những năm qua, Hội NDVN rất quan tâm tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Hội đã chỉ đạo trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cần nỗ lực, phấn đấu không ngừng, từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển trường trở thành cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng của Trung ương Hội.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra.

Phân hiệu Tuyên Quang của trường Trung cấp NDVN mở lớp đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn tại địa phương. Ảnh: NTCC

Nhà trường luôn có chủ trương đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp dạy học song hành lý thuyết trên lớp, thực hành tại trang trại, ngoài doanh nghiệp; dạy học tích cực, tăng cường đối thoại với học sinh và thảo luận giữa các học sinh với nhau. Do đó, học sinh luôn có sự hào hứng học tập, tích cực suy nghĩ, chủ động sáng tạo hơn trong nghe giảng, thực tập tay nghề.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đa dạng hình thức đào tạo, trong đó chú trọng phối hợp với các đơn vị kết nối, hỗ trợ lao động sau học nghề về cả vốn, kỹ thuật, tạo đầu ra cho sản phẩm của lao động.

Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, Trường đã có những bước đột phá trong trong việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ngoài công tác chuyên môn giảng dạy, nhà trường còn phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương Hội NDVN như phối hợp với Ban Xã hội- Dân số và gia đình, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế T.Ư Hội tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội tham gia vào các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình Quốc gia đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Phối hợp với Ban Đối ngoại Hợp tác quốc tế T.Ư Hội tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác giữa Trường và các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào... đưa học sinh, học viên đi thực hành nghề...

“Hàng năm, Trường thực hiện công tác khảo sát xác định nhu cầu học nghề, năng lực đào tạo nghề của Trường và các cơ sở dạy nghề khu vực và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội để xây dựng kế hoạch cho phù hợp. Đồng thời, nhà trường cũng  tích cực phối hợp với các cấp, các ngành để tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch của Trung ương Hội, như  phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương để tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Phối hợp với Ban Đối ngoại Hợp tác quốc tế Trung ương Hội tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác giữa Trường và các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào... đưa học sinh đi thực hành nghề; Phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Hầu hết học viên, học sinh ra trường có việc làm

Theo TS Nguyễn Văn Đại thông tin, mỗi khoá học kết thúc, kết quả 100% học viên, học sinh đỗ tốt nghiệp ra trường, trong đó loại giỏi chiếm 30%, loại khá chiếm 60%. 100% các học viên, học sinh ra trường có việc làm và trên 80% có việc làm đúng với ngành nghề học viên được đào tạo. Học sinh, học viên sau khi tốt nghiệp đã xin việc làm tại các doanh nghiệp, có người tự xây dựng doanh nghiệp cho mình, mở rộng cơ sở kinh tế hộ gia đình…

Trong những năm qua, trường đã đào tạo được 604 lớp với tổng số 20.879 học viên. Trong đó: đào tạo trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên được 579 lớp với tổng số 19.741 học viên; đào tạo hệ trung cấp được 25 lớp với 1.138 học sinh; tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp cho 792 học sinh.

Hiện nay, nhà trường đào tạo theo 2 cấp trình độ: trung cấp (thời gian từ 1,5 đến 2 năm) và sơ cấp (học dưới 9 tháng). Nhà trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, đối tượng được xét tuyển theo học hệ trung cấp là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên; đối tượng lớp sơ cấp đảm bảo nhận thức và đủ sức khỏe tham gia học tập các nghề mình đăng ký.

Nhà trường đào tạo các ngành nghề như: nghề chăn nuôi thú y; nghề công nghệ ô tô; nghề cơ điện nông thôn; nghề kỹ thuật máy lạnh và ĐHKK; nghề kỹ thuật máy nông nghiệp; Công tác Xã hội… Trong đó, Khoa Kỹ thuật máy nông nghiệp đang có lượng học sinh, học viên đăng ký học đông nhất vì ngành nghề này đang phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp.

Tiết thực hành nghề của Khoa chăn nuôi thú y. Ảnh: NTCC

Năm 2023, Nhà trường dự kiến tuyển sinh khoảng 850 học sinh, học viên trong đó có khoảng 250 học sinh hệ trung cấp. Bắt đầu nhận hồ sơ theo hình thức trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện.  Thời gian tuyển sinh quanh năm theo quy định của pháp luật. Về hình thức học: tập trung tại trụ sở chính của trường tại Hà Nội (Tổ 2, thị trấn Chi Đông, Mê Linh, Hà Nội); ở các phân hiệu của trường và liên kết các tỉnh Hội có chức năng đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Riêng với đối tượng các em học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đăng ký vào học, nhà trường thực hiện theo đúng quy định hiện hành của nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, tiền sách vở, tài liệu, đi lại…

Hiện nhà trường có khu ký túc xá được xây dựng 5 tầng, phòng ở khép kín. Lưu lượng học sinh, học viên ở lại khu ký túc xá khoảng 600-650 học sinh, học viên. Khu ký túc xá có nhà ăn riêng và khu căng tin, khu thể dục thể thao phục vụ các học viên.

Để nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Trường trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhu cầu của thị trường lao động Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã phát triển, mở rộng và phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản để tăng thêm nguồn lực, trao đổi kinh nghiệm đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và giải quyết việc làm cho học sinh, học viên sau tốt nghiệp.

Một số nghề của nhà trường đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt là nghề trọng điểm Quốc gia theo giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.

Chất lượng đội ngũ giảng viên ngày một nâng cao về năng lực sư phạm, kiến thức chuyên môn, tay nghề. Phương pháp giảng dạy tiên tiến gắn liền với thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, khuôn viên nhà trường đã từng bước được bổ sung, xây mới khang trang, sạch đẹp hơn. Nhiều năm liên tục nhà trường đều đạt các danh hiệu thi đua tốt, các tổ chức trong nhà trường đều vững mạnh./.

https://tapchinongthonmoi.vn/truong-trung-cap-nong-dan-viet-nam-cai-noi-dao-tao-nghe-nong-cho-con-em-nong-dan-22569.html
1835 lượt xem.

© Copyright 2013 TRƯỜNG TRUNG CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM


® vtsv.edu.vn giữ bản quyền nội dung trên website này. Mọi thông tin góp ý vui lòng liên hệ theo email: lienhe.vtsv@gmail.com
Địa chỉ : Thị trấn Chi Đông - Thị trấn Quang Minh - Huyện Mê Linh - Hà Nội.
ĐT: 0437 955 857 Fax: 0437 686 481