Chân Sơn là một xã thuần nông của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, đời sống kinh tế của bà con nông dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân, hội viên nông dân có được kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân xã Chân Sơn đã chủ động phối hợp với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam Phân hiệu Tuyên Quang để tổ chức lớp học trồng rau an toàn ở xã Chân Sơn.
Phát biểu tại Lễ khai mạc lớp sơ cấp trồng rau an toàn xã Chân Sơn, bà Bùi Thị Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết: Lớp dạy nghề trồng rau an toàn lần này được tổ chức tại xã Chân Sơn, sẽ đáp ứng được nhu cầu học của đông đảo nông dân. Sau khi được dạy nghề, có tay nghề kỹ thuật trồng rau an toàn các học viên sẽ về áp dụng trực tiếp vào vườn rau gia đình. Bên cạnh đó, các học viên cũng sẽ là tuyên truyền viên dạy nghề cho các nông dân khác trên địa bàn. Từ đó góp phần lan toả phát triển nghề trồng rau trên địa bàn xã Chân Sơn, không chỉ cung cấp rau an toàn, rau sạch cho nhân dân tại địa phương mà còn phát triển ở các vùng lân cận.
Hiện nay, người tiêu dùng luôn có xu hướng sử dụng các sản phẩm rau sạch và an toàn, chính vì vậy việc mở lớp dạy nghề “Trồng rau an toàn ở xã Chân Sơn” là hướng đi đúng đắn và cần thiết cho bà con nông dân nói chung và hội viên nông dân xã Chân Sơn nói riêng trong việc sản xuất rau sạch và bền vững.
Là người đã tham gia lớp học “Trồng rau an toàn ở xã Chân Sơn” chị Bàn Thị Lý cho hay: Lớp học đã giúp chúng tôi có được những kiến thức chung về cây rau, cung cấp kiến thức về đặc điểm thực vật học, quá trình sinh trưởng phát triển của cây rau, khái niệm chung về rau an toàn… Từ đó học viên chúng tôi đã nắm được các nguồn giống, phân loại giống, kỹ thuật xử lý giống, sản xuất rau theo hướng VIETGAP.
Với phương châm cầm tay chỉ việc, học đến đâu thực hành đến đó, chính vì vậy các học viên sau khi được học lý thuyết trong hội trường, sẽ được trực tiếp thực hành ngoài thực tiễn. Vì vậy mà các kỹ năng nghề, phương pháp làm đất, kỹ thuật xuống giống, bón phân; kỹ thuật chăm sóc cây rau, bón thúc, tưới tiêu nước, vun xới, làm cỏ; hướng dẫn cách điều tra sâu bệnh hại, đặc điểm nhận biết, đặc tính sinh sống, gây hại và biện pháp phòng trừ các loại dịch hại; thu hoạch phương pháp phân loại và bảo quản rau thương phẩm... được các học viên thực hành rất tốt.
Chia sẻ về hiệu quả sau quá trình học tập, chị Tướng Thị Thanh cho hay: Với việc được học cầm tay chỉ việc, nhất là quá trình thu hoạch và bảo quản rau thương phẩm, vì vậy mà đã giúp cho gia đình tôi bước đầu bán được rau ra ngoài thị trường, tuy số lượng chưa nhiều nhưng đây sẽ là hướng đi quan trọng của gia đình tôi trong phát triển kinh tế hộ gia đình trong thời gian tới.
Sau gần 3 tháng được trang bị cả về lý thuyết kết hợp thực hành các học viên của lớp trồng rau an toàn xã Chân Sơn đã biết vận dụng kiến thức được học vào sản xuất thực tế tại gia đình, có thể trồng rau thương phẩm đảm bảo chất lượng an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài xã. Qua đó góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương ngày một phát triển.