Nhà trường sẵn sàng mở nhiều lớp đào tạo nghề chăn nuôi và trồng trọt hữu cơ cho các địa phương.
Tham dự lớp khai giảng có bà Bùi Thị Nguyên- Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam; cùng các giảng viên của nhà trường.
Về phía xã Thụy An có đại diện lãnh đạo UBND xã Thụy An, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân xã; đại diện lãnh đạo 2 HTX: “HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì” và “HTX Nông nghiệp Thụy An”; cùng 70 học viên tham gia khoá học.
Phát biểu tại lễ khai giảng, bà Bùi Thị Nguyên- Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 626-KH/HNDTW ngày 23 tháng 5 năm 2023 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2023, Trường Trung cấp nông dân Việt Nam tổ chức Lễ khai giảng 2 lớp đào tạo nghề “Chăn nuôi gia súc gia cầm và Trồng rau hữu cơ, rau an toàn” cho hội viên nông dân của 2 HTX của xã Thụy An nhằm trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng về quy trình và phương thức sản xuất nông nghiệp nói chung theo quy trình an toàn sinh học hướng tới sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành HTX. Với phương pháp đào tạo gắn lý thuyết với thực hành để các học viên áp dụng vào mô hình sản xuất ngay trong quá trình học tập nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của xã Thụy An.
Nội dung bài giảng sẽ được các giảng viên nhà trường bám sát phong tục, tập quán sản xuất ở địa phương để truyền đạt kiến thức kỹ năng tay nghề cho học viên đạt được kết quả tốt nhất. Sau khóa học này, Nhà trường mong muốn các học viên có thể áp dụng vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả để nâng cao thu nhập.
“Thực hiện chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trường Trung cấp nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, dạy nghề trình độ Trung cấp, Sơ cấp, Dạy nghề thường xuyên cho lao động nông thôn tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, dạy nghề trình độ Trung cấp đã tổ chức dạy 9 khóa cho 37 lớp với 1579 học sinh, trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho 592 lớp với 20.196 học viên, tổ chức 12 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho 600 cán bộ Hội Nông dân của 15 tỉnh miền núi phía Bắc”, bà Nguyên thông tin thêm.
Nâng cao năng lực điều hành quản lý cho các xã viên và HTX
Giảng viên Mai Thị Thu Hương- Trường Trung cấp Nông dân cho hay, khoá học này sẽ diễn ra trong 2 tháng. Mục đích của khoá đào tạo này, ngoài việc đào tạo nghề cho các học viên học về quy trình trồng trọt và chăn nuôi an toàn theo hướng hữu cơ, các HTX cũng đặt vấn đề với nhà trường giúp họ đào tạo các xã viên học cách cập nhật thông tin; quy trình chứng nhận hữu cơ; ứng dụng thao tác vận hành quản lý theo công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất trên phần mềm trang web.
“Trường đã phối hợp với 1 doanh nghiệp (Công ty TNHH Cổng thông tin số) có phần mềm giúp các HTX, doanh nghiệp quản lý các dây chuyền hoạt động trong quá trình sản xuất như: Quản lý các xã viên, quản lý năng suất sản xuất, quản lý kỹ thuật… trên phần mềm trang web. Các xã viên của HTX làm đến đâu có thể nhập vào hệ thống phần mềm để theo dõi, phần mềm này cũng giúp cho ban lãnh đạo HTX có thể bao quát, điều tiết từng xã viên mà không cần tập trung họ lại để phân công từng hộ xã viên gieo trồng gối vụ trong quá trình sản xuất, nhờ đó HTX sẽ luôn có sản phẩm cung cấp cho thị trường mà không bị đứt đoạn. Cũng thông qua phần mềm này người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, tìm hiểu minh bạch quá trình sản xuất của HTX”, giảng viên Mai Thị Thu Hương thông tin thêm.
Tại lớp khai giảng, ông Ngô Thanh Nhùy - Giám đốc của HTX Nông nghiệp Thụy An chia sẻ: Xã Thụy An là xã thuần nông làm nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt), không có nghề phụ. Mấy chục năm nay người dân nơi đây đã biết trồng rau theo phương pháp an toàn, Vietgrap, hiện đầu ra đang được bán cho lái buôn của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để đi các tỉnh phía Bắc. HTX Nông nghiệp Thụy An đang cần kiến thức thực hành về quy trình chứng nhận rau hữu cơ, mặt khác HTX đang gặp khó khăn trong khâu quản lý về dự kiến năng suất, các đơn đặt hàng. Hiện HTX có đến 450 xã viên, trở ngại của HTX là tất cả các xã viên cùng đồng loạt gieo trồng cùng một lúc dẫn đến ứ đọng sản phẩm không kịp trong khâu phân phối hàng. 1 vụ HTX có thể thu hoạch mấy ngàn tấn rau, hoa quả nhưng hết vụ lại không có hàng để xuất bán, nhất là thời gian ngắt quãng để gieo trồng vụ khác. Nên HTX đã đặt hàng với Trường Trung cấp nông dân Việt Nam mở lớp đào tạo cho các xã viên của HTX về cách áp dụng làm nông nghiệp 4.0 vào cách quản lý. HTX cũng sẵn sàng thuê doanh nghiệp cổng thông tin số quản lý trang web cho HTX.
Với HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì- HTX có thành viên đã từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. HTX bình quân hàng năm nuôi 15 vạn con gà bản địa, chuyên cung cấp giống và thịt cho thị trường. Sản phẩm thịt của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao, doanh thu mang về hàng tỷ đồng hàng năm, nhưng từ năm ngoái đến năm nay HTX đang bị làm ăn thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc HTX mang niềm trăn trở đến với lễ khai giảng, rất mong khoá học này giúp HTX có kiến thức chăn nuôi theo quy trình hữu cơ để HTX có thể tận dụng được tất cả nguồn nông sản sẵn có của địa phương chế biến thành thức ăn cho gà, qua đó cũng giúp HTX có thể giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, HTX cũng rất muốn được học về quy trình chứng nhận hữu cơ…
Theo ông Phan Xuân Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Thụy An nhận xét: 2 lớp đào tạo nghề “Chăn nuôi gia súc gia cầm và Trồng rau hữu cơ, rau an toàn” này rất có ý nghĩa và hữu ích đối với HTX nói chung và các xã viên nói riêng. Có thể nói khoá học này các học viên sẽ được cập nhận nhiều kiến thức bổ ích trong chăn nuôi và trồng trọt, cách làm nông nghiệp thông minh, biết sử dụng máy tính truy cập cách thức quản lý đầu ra và đầu vào, cách làm thế nào để sản phẩm có tên thương hiệu, có thể truy xuất nguồn gốc… tất cả chỉ trên phần mềm trang web. Rất lâu rồi trên địa bàn xã chưa nhận được chương trình đào tạo thường xuyên với những nội dung cần thiết như thế này…